Tuesday 21 March 2017

William Osler "Father of modern medicine"

William Osler "Father of modern medicine"
William Osler "cha đẻ của y học hiện đại"


Bài viết copy từ một status của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.

Chi tiết về tác giả các bạn có thể truy cập link này: Tuan's blog

Tôi nghĩ đa số các bạn ở đây đều biết hay nghe đến bác sĩ William Osler, người được xem là "cha đẻ" của y học hiện đại. Ông sinh năm 1849 ở Gia Nã Đại, nhưng hành nghề thì ở Mĩ và Anh, và qua đời ở Anh vào năm 1919. Ông học trường y McGill (được xem là Harvard của Canada), sang Mĩ "leo" dần dần lên chức giáo sư của Johns Hopkins vào năm 1893, sau đó ông bỏ Mĩ sang Oxford và trở thành Chair của trường y Oxford. Cuối cùng ông chết trong trận đại dịch Tây Ban Nha năm 1919.
Sau này người viết tiểu sử ông chẳng ai khác hơn là Harvey Cushing (người phát hiện Hội chứng Cushing). Cuốn tiểu sử có nhiều điều không công bằng cho Bs Osler. Nhưng trong cuốn đó (rất đáng đọc về cuộc đời của một văn tài), Cushing trích dẫn rất nhiều câu nói để đời của ông Osler. Tôi xin trích dịch vài câu tôi hay dùng trong các bài nói chuyện về y học thực chứng:



Bàn về ngành y:

1. Y khoa là một khoa học của bất định và là một nghệ thuật của xác suất (Medicine is a science of uncertainty and an art of probability).
2. Biến thiên là qui luật của sự sống. Không có hai mặt nào của đồng tiền giống nhau; tương tự, hai cơ thể cũng không giống nhau, hai cá nhân không phản ứng như nhau và không cư xử như nhau trong những điều kiện bất thường mà chúng ta gọi là bệnh (Variability is the law of life, and as no two faces are the same, so no two bodies are alike, and no two individuals react alike and behave alike under the abnormal conditions which we know as disease).
3. Quan sát, ghi chép, tóm lược, truyền đạt. Dùng 5 giác quan của bạn. Học nhìn, học nghe, học cảm nhận, học ngửi, và biết rằng bằng thực hành một mình bạn sẽ thành một nhà chuyên môn (Observe, record, tabulate, communicate. Use your five senses. Learn to see, learn to hear, learn to feel, learn to smell, and know that by practice alone you can become expert).
4. Nghiên cứu về hiện tượng của bệnh mà không có sách thì cũng giống như căng buồm đi thám hiểm biển. Đọc sách mà không có bệnh nhân thì chẳng khác gì không bao giờ ra biển (To study the phenomena of disease without books is to sail an uncharted sea, while to study books without patients is not to go to sea at all).

Bàn về người thầy thuốc:

5. Người thầy thuốc tốt điều trị căn bệnh; người thầy thuốc lớn điều trị bệnh nhân (The good physician treats the disease; the great physician treats the patient who has the disease).
6. Làm thầy thuốc là một nghệ thuật, chứ không phải là một cái nghề; một lời kêu cứu không phải là một thương vụ. Một lời cầu cứu thử thách cả trái tim và đầu óc của bạn. Thường, cái phần tốt nhất trong việc làm của bạn chẳng có dính dáng gì đến lọ thuốc hay viên thuốc, nhưng là gieo sự ảnh hưởng của cái mạnh lên cái yếu, của cái đúng lên cái sai, của cái uyên bác lên cái dại dột (The practice of medicine is an art, not a trade; a calling, not a business; a calling in which your heart will be exercised equally with your head. Often the best part of your work will have nothing to do with potions and powders, but with the exercise of an influence of the strong upon the weak, of the righteous upon the wicked, of the wise upon the foolish).
7. Biết nhóm bệnh nhân nào có bệnh gì còn quan trọng hơn là biết loại bệnh gì mà bệnh nhân nào mắc phải (It is much more important to know what sort of a patient has a disease than what sort of a disease a patient has).
8. Dốt càng nhiều, thì gíao điều càng tợn (The greater the ignorance the greater the dogmatism).
9. Mua sách dễ hơn là đọc sách, và đọc sách dễ hơn là tiếp thu nội dung của sách (It is much simpler to buy books than to read them and easier to read them than to absorb their contents).
10. Cuộc đời của một người thầy nên trải qua 3 giai đoạn. Học đến tuổi 25, nghiên cứu đến tuổi 40, thành chuyên gia đến tuổi 60, độ tuổi mà tôi muốn ông nghỉ hưu với trợ cấp gấp đôi (The teacher's life should have three periods, study until twenty-five, investigation until forty, profession until sixty, at which age I would have him retired on a double allowance).

Để tìm hiểu thêm về bác sĩ William Osler các bạn có thể truy cập trang web sau: 

Link: William Osler 1849 – 1919




No comments:

Post a Comment